Chia sẻ kinh nghiệm leo núi Thị Vải, thăm chùa Linh Sơn Bửu Thiền và tìm đến cổng trời ở đỉnh núi
Leo núi Thị Vải là một trong những trải nghiệm thiên nhiên khó quên đối với những ai yêu thích thể thao, dã ngoại, trekking và hòa mình cùng thiên nhiên. Đặc biệt núi Thị Vải nằm không xa thành phố HCM nên bạn hoàn toàn có thể đi về trong ngày hoặc cắm trại qua đêm đều được.
Nội dung bài viết
1. Giới thiệu núi Thị Vải
Núi Thị Vải (hay Thị Vãi) từ lâu là 1 địa danh nổi tiếng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Núi nằm ở xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và có độ cao khoảng 500m so với mặt nước biển. Núi Thị Vải cách Sài Gòn khoảng 65km với khoảng chừng hơn 2 giờ chạy xe máy là tới. Nếu nhìn trên bản đồ Google map, có 2 ngọn núi sát nhau có hình dạng như 2 lá phổi xanh của thiên nhiên, đó là núi Thị Vải và ngọn núi kế bên là núi Tóc Tiên.
Nhìn từ bản đồ Google map, 2 ngọn núi Thị Vải và Tóc Tiên có hình dạng như 2 lá phổi xanh tươi
Trên núi Thị Vải có 3 ngôi chùa nổi tiếng, đó là chùa Liên Trì, chùa Hồng Phúc và chùa Linh Sơn Bửu Thiền (còn gọi là chùa Tổ hoặc chùa Thượng). Trong đó chùa Linh Sơn Bửu Thiền nằm ở trên cùng, cũng là chùa lớn nhất và nổi tiếng nhất mà mọi người đều muốn ghé thăm khi đi leo núi Thị Vải.
Ngoài ra trên núi Thị Vải còn có cổng trời bằng đá và khá nhiều địa điểm hay ho trên đường lên mà bạn muốn ghé thăm. Hiện nay núi Thị Vải người ta chưa phát triển du lịch rầm rộ như núi Bà Đen, cho nên khung cảnh vẫn còn khá hoang sơ. Các điểm buôn bán, chèo kéo du khách cũng không hề có nên bạn hoàn toàn yên tâm khi tới đây vào cuối tuần để tận hưởng không khí trong lành, tránh xa xô bồ nơi thị thành.
Tuy nhiên, hiện nay mình thấy có 1 công trường khai thác mỏ đá rất lớn ngay phía trước lối vào núi Thị Vải cho nên tiếng ồn của những chiếc xe xúc, xe ben ầm ầm suốt ngày. Tiếng ồn vang tới tận ngọn núi sau chùa. Cũng không biết khi nào họ mới hết làm hoặc khai thác xong.
2. Đường đi đến núi Thị Vải
Núi Thị Vải nằm trên trục đường QL51 từ TP.HCM đi Bà Rịa, Vũng Tàu. Do đó từ trung tâm thành phố, bạn có thể đến đây bằng 2 đường.
- Một là bạn chạy 1 mạch ra xa lộ Hà Nội (QL52) tới ngã tư Vũng Tàu rồi quẹo phải theo QL51, chạy đến khi nào vào địa phận tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, gặp siêu thị Co.opmart Tân Thành thì quẹo trái vào con đường bên hông nó là đường Trường Chinh (trước đây là đường tỉnh lộ 81).
- Hai là bạn đi theo hướng qua phà Cát Lái, theo tỉnh lộ DT769 (Lý Thái Tổ, Trần Văn Trà, Quách Thị Trang), sau đó rẽ vào HL13 (Tôn Đức Thức), đi qua KCN Nhơn Trạch rồi quẹo phải vào QL51, chạy tiếp tục tới Co.opmart Tân Thành như trên.
Đường Trường Chinh nằm giữa Co.opmart Tân Thành và chung cư Hodeco Phú Mỹ. Từ đầu đường Trường Chinh, bạn chạy thẳng vào khoảng 4km nữa là đến chỗ gửi xe ngay cổng chùa để bắt đầu leo núi Thị Vải. Đoạn đường 4km này khúc đầu là đường nhựa đẹp, khúc sau thì đường đang làm rải đá dăm nên khá xấu và gập gềnh chút.
Đường đang làm được rải đá dăm nhưng chạy vẫn tốt, không vấn đề gì cả.
3. Chỗ gửi xe leo núi Thị Vải
Chỗ gửi xe leo núi Thị Vải nằm sát ngay chân núi. Đây là nhà những người dân ở gần đó họ mở dịch vụ gửi xe và bán nước uống luôn. Giá gửi xe khá mềm là 5000 VNĐ/chiếc, rẻ hơn so với các núi khác (thường là 10,000 VNĐ/chiếc)
Dọc bên phải đường vô chùa là 4,5 chỗ gửi xe máy ở trong nhà dân
Cổng chùa Linh Sơn Bửu Thiền dưới chân núi Thị Vải
Sau khi gửi xe xong thì bạn đi bộ vào cổng chùa ngay đó luôn. Bắt đầu hành trình leo núi Thị Vải nhé!
4. Bắt đầu leo núi Thị Vải
Ngay dưới chân núi là chùa Liên Trì, tại đây mình thấy có bán cơm chay đặt trước. Nếu bạn nào đi theo đoàn muốn đặt cơm sau khi xuống núi thì gọi theo số trên bảng hiệu. Đây cũng là nơi mọi người thường nghỉ ngơi trước khi bắt đầu leo núi Thị Vải.
Chùa Liên Trì ở những bậc cấp đầu tiên đi lên núi
Thực ra việc leo núi Thị Vải khá là đơn giản và dễ dàng. Đường từ chân núi lên tới tận chùa Linh Sơn Bửu Thiền đã được làm các bậc cấp bằng đá cho nên bạn chỉ cần đi theo các bậc cấp này là tới chùa.
Số lượng các bậc cấp theo nhiều người nói là khoảng hơn 1300 bậc, tuy nhiên khi đi thực tế thì mình thấy chỉ đúng 1200 bậc là tới cổng chùa Linh Sơn rồi. Thêm vài chục bậc lên trên điện thờ chính nữa thôi. Nên mình tính là đúng 1200 bậc cấp là tới chùa nhé. Rất dễ đi là đằng khác. Thời gian đi từ chân núi lên đến chùa chỉ mất khoảng từ 1h – 1h30p thôi, nếu bạn nào đi nhanh thì vài chục phút là tới.
Những bậc cấp đi lên chùa được làm bằng đá, xi măng thẳng tắp
Sáng sớm nắng chiếu xuyên qua những tán cây rừng ven đường đi rất đẹp. Đường lên chùa rất mát mẻ do cả con đường bậc cấp đều được bóng cây rừng phủ mát rượi. Thỉnh thoảng người ta làm những chỗ để nghỉ chân cho những ai mệt muốn ngồi lại nghỉ ngơi hóng gió núi.
Bình thường đường lên chùa khá vắng vẻ, nhất là vào sáng sớm. Do đó thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp những chú khỉ từ trong rừng đi ra ven các bậc cấp để tìm thức ăn. Nếu bắt gặp khỉ trên đường đi thì bạn cũng đừng chọc nó nhé!
Một chỗ nghỉ chân có con chó ngồi đợi sẵn :))))
Cách khoảng 200 – 300 bậc cấp, người ta lại đánh số để mọi người biết mình đang ở bậc thứ mấy. Tuy nhiên số này được sơn màu xanh và khá nhỏ nên cũng ít người để ý. Hai bên đường thỉnh thoảng có đặt những thùng rác để mọi người bỏ chai nước, khăn giấy sau khi dùng xong. Do đó, suốt chặng đường lên chùa được giữ gìn vệ sinh khá sạch.
Bậc cấp thứ 600
Càng lên cao, độ dốc càng lớn nên các bậc đá cũng càng gắt. Trên đường đi bạn sẽ dễ dàng bắt gặp khá nhiều di tích cũng như thực vật cây cối 2 bên rất đa dạng.
Một di tích đã hư hỏng, chữ chạm khắc trên đá đã bong tróc theo thời gian
Một gốc cây đã bị mục và một chồi xanh khác mọc lên ngay bên cạnh
Một bụi trúc với những thân trúc có đốt rất đẹp mọc bên đường đi
Một điều đặc biệt là trong lúc đi lên, mình bắt gặp 2 ông bà cụ cũng đang cùng dắt nhau đi lên chùa, dĩ nhiên là có con cháu họ đi chung bên cạnh rồi. Trong lúc dừng lại nghỉ mệt, mình hỏi thăm và biết được cả 2 cụ đều đã 79 tuổi và đều tập luyện thể dục thường xuyên. Do đó sức khỏe 2 cụ rất tốt, lúc lên đến chùa thì mình thấy 2 cụ vẫn không tỏ vẻ mệt mỏi hay đuối sức. Điều này là khá bất ngờ nhất trong các chuyến đi leo núi của mình, vì tuổi mấy cụ đã cao rồi mà vẫn còn sức leo bậc cấp như vậy.
Hình ảnh 2 cụ đã 79 tuổi cùng nhau leo núi Thị Vải lên đến chùa Linh Sơn Bửu Thiền
Đi được một lúc, bạn sẽ gặp Bạch Vân Động bên tay phải, tuy nhiên chỉ được đứng ngoài ngắm thôi chứ họ đã rào lại và không cho vào bên trong.
Cổng Bạch Vân Động đứng từ ngoài nhìn vào
Bậc cấp thứ 1100, lúc này đã gần tới chùa rồi. Từ bậc này đi lên chút xíu bạn sẽ gặp Hang Tổ bên tay trái
Cổng Hang Tổ, mình chụp bị ngược sáng nên hơi tối. Tuy nhiên Hang Tổ người ta cũng đóng cửa và không vào được bên trong. Mình chỉ đi tham quan vòng sơ sơ bên ngoài thôi. Cũng không có gì đặc biệt.
Đứng bên ngoài nhìn vào Hang Tổ, cửa đã bị khóa lại không vào được bên trong
5. Chùa Linh Sơn Bửu Thiền
Và đúng bậc cấp thứ 1200 thì bạn đã lên tới cổng chùa Linh Sơn Bửu Thiền với cổng trước khá đẹp và nguy nga. Mình thấy chùa có thiết kế kiến trúc khá giống phong cách kiểu Nhật Bản với màu tông đỏ là chủ đạo. Các cột và mái ngói được sơn màu nâu đỏ với các hoa văn rất tinh tế.
Cổng trước chính chùa Linh Sơn Bửu Thiền ở núi Thị Vải rất đẹp
Đứng từ điện chính nhìn ra cổng, khung cảnh rất đẹp với chiếc cổng màu đỏ và xa xa là khung cảnh những ngôi nhà và đồng ruộng bao la ở phía dưới.
Khung cảnh từ điện chính nhìn xuống cổng chính rất đẹp
Xung quanh khuôn viên chùa là các tiểu cảnh hồ cá, tượng các vị la hán, vị phật và hoa sen. Bên phải chùa từ ngoài nhìn vào là hồ sen rất lớn với tượng phật màu vàng đứng trên một tảng đá lớn giữa hồ. Vào mùa mưa, hồ sẽ đầy nước và hoa sen nở rộ, do mình đi vào mùa hè nóng nên hồ đã cạn nước.
Tượng phật lớn tọa lạc trên mỏm đá lớn ngay giữa hồ
Đi qua hướng bên phải nữa là tượng phật nằm cũng khá lớn. Bên trái bức tượng này có cái giếng cũ xưa không dùng nữa. Nhìn giống như mấy cái giếng trong mấy phim kiếm hiệp hồi trước hay xem.
Tượng phật nằm khá lớn
Cái giếng cũ nằm ở nơi khá vắng vẻ nên hơi ớn ớn
Một vài con đường nhỏ xung quanh chùa đã mọc rêu xanh mướt, nhìn rất đẹp và cổ kính
6. Cổng trời núi Thị Vải
Sau khi đi 1 vòng quanh chùa tham quan thì mình quyết định tìm đường lên đỉnh núi chỗ có cổng trời. Cổng trời (còn gọi là cửa trời) thực chất là 2 tảng đá lớn dựng đứng sát nhau, ngay giữa là 1 lối đi nhỏ xíu. Do ở trên núi cao, bị rêu phủ và cây cối bao quanh nên cổng trời có vẻ đẹp âm u mê hoặc và cũng rất cổ kính.
Ở lần đi đầu tiên mình tìm sai đường nên không lên tới cổng trời được. Tuy nhiền lần đi lại sau này mình đã tìm được 2 đường lên đến cổng trời. Một đường sau lưng chùa, ngay gốc cây đa cổ thụ và một đường nữa nằm chếch về bên phải, ngay chân bức tượng phật nằm lớn màu vàng.
6.1. Đường lên cổng trời sau lưng chùa
Sau khi lên tới chùa, các bạn đi vòng ra sau lưng chùa, ngay chỗ gốc cây đa cổ thụ rêu phong cổ kính có đường nhỏ đi ra sau.
Cây đa cổ thụ cổ kính lớn sau chùa
Đi men theo con đường nhỏ này bạn sẽ bắt gặp 1 tảng đá lớn, ngay tảng đá lớn này là ngã 3 nhỏ, bạn quẹo phải chỗ này vào theo đường mòn một mạch để lên tới cổng trời
Ngay tảng đá lớn là ngã 3 nhỏ, quẹo phải để lên đỉnh núi
Các bạn lưu ý quẹo phải ngay tảng đá này nhé! Nếu không quẹo mà đi thẳng là không có đường lên đâu.
Đường lên cổng trời theo lối này khá dễ vì đa số là các bậc cấp bằng đá chùa đã dựng sẵn. Trên đường đi cũng có rất nhiều mũi tên chỉ đường, cho nên bạn hoàn toàn không sợ bị lạc.
Khi lên gần tới cổng trời sẽ có dấu hiệu chỉ đường trên tảng đá như hình
Chữ trên tảng đá là “cửa trời”
Đi lên một chút nữa là bạn sẽ bắt gặp cổng trời như hình
Cổng trời uy nghi và cổ kính
6.2. Đường lên cổng trời hướng tượng phật nằm
Một đường khác nữa để đi lên cổng trời và đỉnh núi Thị Vải nằm chếch về bên phải, ngay chân pho tượng nằm lớn. Đường này nằm khuất nên cũng khó thấy.
Theo mình thấy đường lên theo hướng này khó đi hơn, các dấu hiệu mũi tên chỉ đường cũng rất nhiều nên bạn cũng không sợ bị lạc. Tuy nhiên đường này bạn phải đi qua rừng tre trúc khá rậm rạp, âm u, ẩm thấp và muỗi rất nhiều. Bất kể lúc nào bạn dừng lại nghỉ mệt hoặc chỉ cần đi chậm chậm thôi là sẽ bị muỗi bu vào cắn. Do đó nếu nghỉ mệt, bạn nên lựa chỗ nào thoáng đãng, có ánh nắng nhiều và phải liên tục hoạt động để muỗi không bu vào.
Đi qua rừng tre rất ẩm thấp, mình đã lựa chỗ sáng sáng để tránh bị muối bu vào nhiều
Nếu bạn nào đi vào mùa mưa thì khá trơn trượt và ẩm thấp. Bạn nào thích sự huyền bí âm u rùng rợn thì đi theo đường này, nên chuẩn bị quần áo dài tay để tránh muỗi cắn nhé!
7. Đỉnh núi Thị Vải
Theo mình biết thì trên núi Thị Vải không có 1 đỉnh nào cao nhất rõ rệt mà có khoảng 2,3 mỏm đá cao nhô cao ra thôi. Các mỏm đá này cũng nằm gần gần nhau nên bạn nào đã lên tới được cổng trời rồi thì đi thêm chút nữa tới đỉnh luôn.
Ngay sau cổng trời người ta dựng 1 cái chòi không biết để làm gì, chắc để tập kết đồ đạc hoặc để nghỉ ngơi gì đó.
Chòi lớn trên núi, nằm phía sau cổng trời
Từ chỗ cái chòi này đi lên khoảng vài chục mét là bạn đã tới được đỉnh rồi. Đi vòng vòng trong ở khu này bạn sẽ gặp khoảng 2,3 tảng đá lớn, có tảng đá đã có người đi trước đánh dấu là đỉnh. Bạn có thể cắm trại ở những tảng đá này cũng được, khá là bằng phẳng.
Một tảng đá nhô ra trên đỉnh núi
Một tảng đá lớn được đánh dấu là đỉnh núi Thị Vải
Chỗ này hơi bằng phẳng có thể cắm trại được
Ở chỗ này mình thấy có nhóm đốt lửa cắm trại dựng lều qua đêm, bạn nào muốn cắm trại thì thử xem sao nhé. Tuy nhiên cảnh không được đẹp lắm và chắc cũng không săn mây được đâu.
Các bạn nghỉ ngơi ở đây một chút, khoảng 15p-20p rồi xuống núi, hoặc nghỉ ở cái chòi ở dưới cũng được. Nếu bạn nào đi nhanh thì lên tới đỉnh chỉ khoảng 10h sáng. Đủ thời gian xuống lại tới chùa để nghỉ trưa.
Lúc đi xuống gần chùa thì mình phát hiện ra 1 khu vực trống có khung cảnh khá đẹp. Chỗ này là một tảng đá lớn nằm thoai thoải xuống có tầm nhìn rất thoáng. Ở đây cũng tương đối bằng phẳng để có thể dựng lều cắm trại được luôn. Từ chỗ này nhìn xuống gần bên dưới và sát bên chùa.
Tha hồ chụp hình sống ảo ở tảng đá lớn này
8. Lời kết
Đa số mọi người khi leo núi Thị Vải đều lên đến chùa Linh Sơn Bửu Thiền thôi, ít ai lên tới đỉnh. Đỉnh núi Thị Vãi vẫn còn hoang sơ vì chẳng có ai lên tới đây làm gì. Tuy nhiên đỉnh núi này không được cao và đẹp bằng các núi khác. Bạn nào thích thì đi cho biết.
Leo núi Thị Vải khá dễ nếu chỉ lên đến chùa. Không giống như leo núi Bà Đen hay núi Chứa Chan cao hơn và có độ khó nhiều hơn, thời gian leo cũng lâu hơn và mệt hơn nữa.
Xem thêm
- Leo núi Bà Đen theo đường cột điện – Dễ hay Khó?
- Hướng dẫn leo núi Chứa Chan dễ nhất, đi đường ngắn nhất!
Cách đó không xa, tầm 15km – 20km cũng trên trục QL51 là núi Dinh, trên núi Dinh cũng có chùa chiền và các di tích nổi tiếng. Đặc biệt có đỉnh La Bàn có thể cắm trại qua đêm được. Nếu bạn nào muốn thử sức với núi Dinh thì xem bài viết này của mình nhé: Khám phá và leo núi Dinh, đỉnh La Bàn và chùa Hang Mai
Chúc các bạn có 1 chuyến leo núi Thị Vải thành công!
Bài viết hướng dẩn rất chi tiết giúp người tham quan hiểu rỏ địa danh này… cảm ơn bạn trẻ rất nhiều về sự nhiệt tình phổ biến rộng rải.
Cảm Ơn Bạn Rất nhiều. Bài viết khá Chi tiết và dễ hiểu.
100 Điểm ❤️❤️❤️
cho mình hỏi đi vậy có mất phí vé gì hk ạ
Không có vé hay phí gì hết bạn.
anh có thể cho em xin vị trí mỏm đá có không gian thoáng lúc đi xuống không, em đang tìm vị trí hạ lều đấy cảm ơn anh
Sau lưng chùa, từ trên núi đi xuống nằm bên phải, sát gần chùa nhe.
Bạn cho hỏi từ chùa đến cổng trời khoảng cách xa không bạn?
Khá gần đó bạn. đi chút là tới thôi
Bây giờ là tháng 7.2022 có còn cho leo lên đỉnh núi Thị Vải để cắm trại ko anh?
Hiện đã bị rào lại rồi nhe bạn, nên rất khó đi lên đỉnh
Bây giờ rào chắn lại hết, không còn cho lên Cổng trời và Đỉnh núi nữa rồi, buồn thiệt…
Đỉnh núi Thị Vải không có cái cục trắng trắng hả các bạn? Mình lên r tìm hoài mà ko thấy
uh hiện chưa có đâu bạn, vì nó có nhiều tảng đá lớn rải rác ở nhiều nơi.
Chia sẻ :
1. Bạn nên chuẩn bị 1 cây gậy . Vì trên núi không chỉ có 1 chú chó kute như hình minh họa mà là cả đàn chó rất nhiệt tình chào hỏi, chú nào chú nấy nhe bộ răng trắng ởn vô cùng dễ thương , sẵn sàng nhảy vào hôn mông bạn bất cứ khi nào bạn không chú ý.( nếu bạn đc truyền thừa bí kíp đả cẩu bổng pháp thì hay)
2. Nếu đi một mình thì không nên đi đường sau tượng phật nằm. Nếu lỡ đi thì không nên ngoái đầu nhìn về phía sau. Mình đã thử và kết quả là quãng đường tiếp theo mình chỉ nghĩ cách nào để người ta tìm thấy xác mình dễ dàng hơn.
3. Nên đi muộn muộn 1 xíu 9 -10h gì đó. Hơi nắng xíu nhưng bạn sẽ có 1 thú vui tao nhã lúc nghỉ ngơi giữa chặng là ngồi ngắm mấy em hót gơn tóc tai bù xù, son phấn nhồm nhoàm bò lên bằng 4 chân.( đi sớm chỉ thấy mấy ông vác xi măng bước phăm phăm, rượt theo mấy ổng muốn xịt khói lỗ tai).
Cám ơn chia sẻ của bác nhé! Đường sau tượng phật muỗi nhiều kinh khủng, mình vừa đi vừa đuổi muỗi liên tục đó :))
Èo. Leo lên tưởng trên đỉnh lạnh. Mang theo áo ấm. Ai dè lạnh vác áo ấm quay về.
có chổ ngủ lại không anh?
Trên núi nên bạn phải mang lều theo, hoặc xin ngủ nhờ trong chùa xem sao.
Thanks nhiều nha, mình nên leo lúc mấy giờ là tốt nhất bạn
Bạn xuất phát từ SG khoảng 5h-5h30 sáng, tới đó khoảng 7h,8h leo cho mát. Chủ yếu leo khoảng 1200 bậc thang là lên chùa thôi.
Thanks nhiều nha, mình tự đi được phải không bạn
Tự đi cũng đc bạn, cuối tuần trên đó cũng khá nhiều người đi lắm.
Cho mình hỏi, leo núi Thị Vải, sáng đi chiều về được không?
Được bạn, lúc mình đi là sáng đi chiều về đó.