Leo núi Bà Đen theo đường cột điện – Dễ hay Khó?
1. Giới thiệu núi Bà Đen
Nhắc đến chuyện leo núi Bà Đen, ắt hẳn rất nhiều bạn đã biết đến và thậm chí rất quen thuộc với nó. Đây là ngọn núi được mệnh danh là “Nóc nhà của Nam Bộ”, với độ cao 986m. Cao nhất Nam Bộ hiện nay. Mỗi cuối tuần, rất nhiều phượt thủ từ khắp nơi về đây chinh phục nó. Thỉnh thoảng có những bạn từ miền Bắc vô cũng muốn chinh phục.
Núi Bà Đen nằm cách Sài Gòn chỉ khoảng 100km nên ngày càng có nhiều bạn trẻ lựa chọn là nơi chinh phục thử thách, hoặc đơn giản hơn là nơi để rèn luyện sức khỏe vào mỗi dịp cuối tuần.
Nội dung bài viết
Đỉnh núi Bà Đen cao 986m, được mệnh danh là “Nóc nhà của Nam Bộ”
Ngoài ra núi Bà Đen cũng rất nổi tiếng với nhiều phong cảnh đẹp và truyền thuyết li kì. Ở giữa lưng chừng núi là chùa Bà rất linh thiêng với lượng khách hành hương lớn mỗi ngày. Núi Bà Đen ngày nay là biểu tượng cho vùng đất Tây Ninh và con người hiền hậu nơi đây.
2. Để leo núi Bà Đen thì có khoảng 7 đường lựa chọn như bên dưới
Tổng hợp các đường leo núi Bà Đen (Ảnh: mr Lonely – Internet)
1. Đường chùa: Đây là đường ngắn nhất nhưng dốc nhất. Đường bắt đầu từ sau lưng chùa Bà đi lên. Trên đường chùa có 3-4 điểm bán nước nên bạn cũng không cần mang theo nhiều nước.
2. Đường cột điện: Đường dễ đi nhất, thường thì 80% các bạn sẽ chọn đường này để bắt đầu leo núi Bà Đen
3. Đường ống nước: Đường này cũng xuất phát từ chùa Bà, có độ khó cao.
4. Đường Ma Thiên Lãnh: Đường này có độ khó cao. Thường các bạn đi nhiều quen sẽ chọn cung này để có thêm nhiều trải nghiệp
5. Đường núi Phụng: Đường này rất khó, cần phải có người dẫn đường và rất dễ lạc
6. Đường đá trắng
7. Đường HCM
Hai cung đường 6,7 mới mở sau này và có độ khó cực kỳ nguy hiểm. Thường các bạn phải thuê dẫn đường địa phương am hiểu tốt để không bị lạc. Để đi 2 cung này, các bạn phải mất 2 ngày cùng với sự chuẩn bị rất kĩ càng cả về thể lực và hành trang.
Ở bài viết này mình chọn leo núi Bà Đen theo đường cột điện.
3. Leo núi Bà Đen đường cột điện
3.1. Chỗ gửi xe leo núi Bà Đen
Đường tới núi Bà Đen khá đơn giản. Từ Sài Gòn các bạn tới ngã tư An Sương, rồi theo quốc lộ 22, DT782 (ở ngoài là đường Bời Lời), DT784 rồi quẹo phải sang đường Bời Lời là tới. Chỗ gửi xe quen thuộc cho các bạn thường xuyên leo núi Bà Đen là tại quán cô Năm. Có thể giữ xe qua đêm cho các bạn luôn nhé! Vị trí quán cô Năm như hình bên dưới
Vị trí quán cô Năm Sơ ri, có thể gửi xe qua đêm
Giá giữ xe ban ngày là 10.000đ/chiếc và qua đêm là 15.000đ/chiếc nhé!
Hiện nay quán đã đổi chủ, là điểm bảo vệ lấy thông tin người đi núi. Họ lấy thông tin chỉ để quảng cáo hay gì đó thôi chứ không có mục đích cứu nạn hay hỗ trợ. Mình đi rất nhiều lần và có hỏi thử là khi gặp nạn thì gọi số nào ở đây để hỗ trợ, thì họ nói cứ gọi 114 :))))). Huề cả làng. Cho nên bạn không cần cung cấp thông tin cũng được.
Quán cô Năm hiện đã dời ra phía ngoài đường lớn, khúc ngã tư trước cổng chào quẹo vào. Quán nằm ngay đối diện đài liệt sĩ.
3.2. Leo núi Bà Đen theo đường cột điện
Từ quán bảo vệ nhìn qua phía đối diện là con đường nhỏ dẫn lên núi Bà Đen, men theo bờ tường của ngôi chùa bên cạnh. Các bạn đi theo con đường nhỏ này để bắt đầu. Khoảng 200m – 400m đầu các bạn sẽ thấy những mũi tên chỉ đường liên tục, nên cũng không lo bị lạc. Chỉ cần chú ý quan sát đi theo là được.
Con đường nhỏ đối diện nhà cô Năm dẫn lên núi Bà Đen
Những mũi tên chỉ đường liên tục ở những đoạn đầu
Những mũi tên chỉ đường liên tục ở những đoạn đầu
3.3. Hiện tượng sốc độ cao
Thường các bạn khi mới leo núi Bà Đen khoảng 20 – 30 cột đầu tiên (tầm 200m – 400m) sẽ cảm thấy rất mệt, tim đập nhanh, thở dốc, mồ hôi ra rất nhiều. Có nhiều bạn yếu hơn sẽ mặt mày tái mét, tay chân bủn rủn. Có bạn sẽ bị ói. Khi gặp trường hợp như vậy các bạn cần nghỉ ngơi 1 lúc, ăn 1 ít bánh kẹo ngọt để lấy lại sức. Vượt qua được giai đoạn này các bạn sẽ thấy ít mệt hơn.
Trong khoảng 1/2 đoạn đường đầu, các bạn sẽ bắt gặp rất nhiều cây chuối, xoài dọc 2 bên đường đi, khá là mát mẻ. Tuy nhiên các bạn không được hái trái nhé. Vì đây là cây do người dân sống ở chân núi họ trồng để bán. Không phải cây rừng mọc hoang đâu nhé!
Đi qua vườn chuối xanh mướt và khá mát mẻ
Vườn chuối người dân trồng 2 bên đường mòn lên núi Bà Đen
3.4. Nghỉ ngơi ở tảng đá lớn gần cột 55
Các bạn leo tới khoảng cột 55 thì sẽ gặp 1 tảng đá lớn có dòng nước nhỏ chảy ra. Tại đây các bạn có thể nghỉ ngơi, rửa mặt cho mát để lấy lại sức.
Tảng đá lớn có nước suối chảy ra ở khoảng cột 55, chỗ này mùa mưa khá là trơn trợt.
Qua khỏi cột 55 và tảng đá lớn này các bạn để ý sẽ thấy cây cối 2 bên sẽ dần thay đổi do tăng độ cao và khí hậu cũng dịu dần. Người dân cũng ít trồng trọt ở độ cao này nữa.
Cây cối có sự thay đổi khi càng lên cao hơn
Ngay ở cột 65, chỗ miếu ông Hổ, có 1 ống nước nhỏ dẫn nước chảy ra. Lúc trước mình đi thì ống nước vẫn còn hoạt động tốt. Tuy nhiên những lần sau đi lại thì đã bị hư. Nhưng bạn vẫn có thể lấy nước ở chỗ này được.
Đặc biệt vào những ngày có sương mù, các bạn sẽ bắt gặp hình ảnh con đường mòn dẫn lên núi sẽ rất mờ ảo tuyệt đẹp. Rất âm u huyền bí.
Đường lên núi Bà Đen trong 1 ngày trời đầy sương mù
Có nhiều bạn thường leo núi Bà Đen vào ban đêm, cắm trại ngủ lều trên núi. Mục đích là để ngắm bình minh hoặc săn mây vào sáng hôm sau. Điều này là rất tuyệt vì cảnh vào buổi sáng thường trong lành và đẹp hơn các buổi khác trong ngày.
Từ đỉnh núi Bà Đen nhìn xuống, các bạn có thể thấy 1 phần cảnh hồ Dầu Tiếng ở phía xa. Phóng tầm nhìn toàn cảnh bao la bát ngát đồng ruộng phía dưới.
Phía xa xa bên trái là hồ Dầu Tiếng
Toàn cảnh đồng ruộng bao la bát ngát khi nhìn từ đỉnh núi Bà Đen
Thông thường các bạn sẽ mất khoảng 3h – 4h để lên tới đỉnh. Những bạn sức khỏe tốt có thể leo nhanh hơn, chỉ khoảng 2h – 2h30p.
4. Leo núi Bà Đen cần chuẩn bị những gì?
Để 1 chuyến leo núi Bà Đen thành công trọn vẹn, các bạn cần chuẩn bị một số thứ cơ bản như sau:
- Nước: khoảng 2 lít nếu đi trong ngày hoặc 3l-4l nếu ngủ qua đêm
- Đồ ăn nhẹ dọc đường như: socola, bánh kẹo,…
- Đồ ăn chính bữa trưa, tối: thường là đồ khô như xúc xích, bánh mì chà bông, hoặc các bạn cũng có thể mang theo đồ nướng BBQ hoặc nấu cơm, cháo tùy thích
- Thuốc: đau bụng, nhức đầu, bông băng, thuốc đỏ,…
- Giấy vệ sinh khi cần
- Gậy leo núi nếu có, không thì cũng chẳng sao
- Mặc đồ thoáng mát, nhẹ nhàng. Nếu leo đêm thì các bạn cần thêm áo lạnh, dài tay. Vì ban đêm trên núi rất lạnh
- Đèn pin cầm tay hoặc đội đầu nếu leo đêm
- Pin sạc dự phòng nếu cần
- Thêm 1 bộ quần áo để thay khi lên tới đỉnh núi
- Lều, bạt nếu ngủ qua đêm
- Và 1 số thứ riêng khác tùy mỗi người.
Tóm lại, việc leo núi Bà Đen theo đường cột điện rất dễ nếu bạn đã đi qua 1,2 lần đầu. Những bạn mới leo lần đầu tiên có thể sẽ bỡ ngỡ ở đoạn đầu 1 chút xíu thôi. Đây là cung dễ nhất nên những ngày cuối tuần thường khá đông người leo.
*Cập nhật tháng 2,3,4,5,6,7,8/2018: Quán cô Năm hiện nay đã được dời ra ngoài ngã tư, đối diện đài liệt sĩ. Vẫn bán tạp hóa và nhận giữ xe bình thường nhé!
*Cập nhật ngày 06/01/2018: Hiện nay quán cô Năm đã bị tháo dỡ sửa chữa, không còn bán tạp hóa hay giữ xe nữa. Bạn nào đi leo núi Bà Đen thì gửi xe ngay đầu ngã ba rẽ vào nhà cô Năm nhé!
Chúc các bạn chinh phục thành công núi Bà Đen!
Có cap lên chùa và đi xuống mua cáp khác lên đỉnh và hiện đang xây nối cáp từ chùa lên đỉnh
Tình hình Núi Bà Đen 2022 sau khi Sun Group cào cấu ra sao rồi mấy bạn?
Núi Bà Đen bây giờ đã trở thành Bà Đen Hill, không còn những khoảng không gian xanh hoang sơ nữa mà thay vào đó là những vườn hoa, quán nước và cả một nhà ga cáp treo siêu to khổng lồ với mức giá cho mỗi lần lên và xuống cũng cực kỳ siêu to khổng lồ
02/09 leo lên hỡi ôi. Nó sắp thành Bà Nà Hills rồi, cả một đại công trường trên đó. phá nát đỉnh núi. giờ lên đó chỉ để ngắm mây với xe công trình, hzai rồi sắp đến ko biết nó phá đến ngọn núi nào nữa. Lấy cái gì để chúng ta leo và cắm trại nữa đây
Tks you for your sharing.
cám ơn bài viết của bạn, tuần sau mình sẽ đi leo núi Bà Đen 😀
Chúc bác lên đỉnh thành công 😀
– Cảm ơn bài viết của anh !
Bài viết bổ ích, thanks b nhé!
Thanks bạn! 🙂