Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali – Indonesia chi tiết nhất

Đối với những ai thích đi du lịch bụi như mình thì đây cũng là nơi rất đáng để khám phá các đền đài, bãi biển và các địa danh nổi tiếng. Bali là 1 hòn đảo chuyên về du lịch, do đó bạn có thể tìm thấy được hầu hết mọi thứ ở đây, từ hàng xa xỉ cao cấp cho đến những thứ bình dân, đời thường nhất của người dân bản địa.

1. Giới thiệu đảo thiên đường Bali

Du lịch bụi Bali rất dễ. Nhắc đến đảo Bali ắt hẳn ai cũng đã biết đến hoặc đã nghe qua rồi nhỉ. Chắc mình không cần phải giới thiệu chi tiết về hòn đảo này nữa nhe! Chỉ nói sơ qua 1 vài điểm chính như sau. Bali là một hòn đảo du lịch lớn nhất và cũng là 1 tỉnh thành của Indonesia. Tỉnh này có đảo lớn chính là Bali và 1 vài đảo nhỏ lân cận khác nữa. Các bạn vào Wiki để tìm hiểu kĩ hơn nhé!

Bali không những nổi tiếng với những bãi biển đẹp trong xanh, thơ mộng trải dài tít tắp mà còn có rất nhiều đền thờ Hindu cổ kính. Người ta thống kê có khoảng hơn 13,000 ngôi đền trên hòn đảo này. Đây còn được mệnh danh là hòn đảo thiên đường của du lịch Châu Á, rất phù hợp cho các cặp đôi du lịch nghỉ dưỡng hoặc hưởng tuần trăng mặt (honey moon).

Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali - hình 1

2. Đến Bali bằng cách nào

Mình có dịp đi du lịch bụi Bali trong chuyến đi vòng quanh Đông Nam Á vừa qua trong 4 ngày. Xuất phát từ sân bay Kuala Lumpur KLIA2 (KUL) đến sân bay ở Bali là Ngurah Rai International Airport (DPS). Do mình bay từ Malaysia qua nên giá vé rẻ hơn nhiều so với khi bạn bay từ Việt Nam -> Bali. Giá vé lúc mình đi chiều từ KUL -> DPS là $55 còn chiều về từ DPS -> KUL là $100, mình bay của hãng AirAsia.

Bạn nào có ý định đi thì cứ AirAsia mà book nhé, đây là hãng hàng không giá rẻ của Malaysia được xem như là lớn nhất thế giới hiện giờ. Sân bay KLIA2 bên Malaysia cũng thuộc loại rất lớn và hiện đại trên thế giới. Hãng cũng thường xuyên có những chương trình khuyến mãi rất hấp dẫn. Tìm thêm vé máy bay đi Bali tại Traveloka hoặc xem thêm các chuyến bay giá rẻ tại đây.

Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali - hình 2

Sân bay Bali (DPS) được trải thảm toàn bộ nhìn rất đẹp và sang trọng

Nếu các bạn bay từ Việt Nam thì sẽ phải nối chuyến ở Kuala Lumpur, Singapore hoặc Jakarta tùy hãng bay. Giá vé cũng mắc hơn, khoảng chừng 4,5tr – 5tr/khứ hồi. Nếu mua vé trước ngày đi càng xa thì giá càng rẻ.

Lúc mình đi chỉ mua trước 2 tuần thôi và mình mua 2 chuyến riêng biệt từ Malaysia nên giá cũng không mắc lắm. Bạn nào mua 2 chuyến riêng biệt giống mình thì lưu ý giờ làm thủ tục xuất nhập cảnh nhé! Ví dụ chuyến trước đáp máy bay xuống lúc 10h thì các bạn cũng cần ít nhất 30p-1h30 nữa để di chuyển và lấy hành lí ra bên ngoài. Xong xuôi rồi lại quay trở lại xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh cho chuyến tiếp theo. Vì các sân bay rất rộng nên việc đi bộ mất thời gian, cộng thêm việc xếp hàng chờ làm thủ tục, soi chiếu hành lí nữa nên sẽ khá lâu. Do đó bạn nên book chuyến sau cách chuyến trước khoảng từ 4-6 giờ là tốt nhất. Có dư thời gian thong thả đi tham quan vòng vòng sân bay cũng thú vị lắm.

Lưu ý đặc biệt để tiết kiệm được thời gian, đó là các bạn nên làm thủ tục check in online trước mỗi chuyến bay, rồi in cái boarding pass (thẻ lên máy bay) ra trước nhé. Hãng AirAsia thì cho in ra trước mỗi chuyến bay 14 ngày nên bạn nhớ tranh thủ mượn máy in của khách sạn để in trước.

Đối với bạn nào không có hành lí ký gửi thì khi in ra trước như vậy thì bạn không cần làm thủ tục xuất cảnh mà đi thẳng vào cửa transit để chờ lên chuyến bay tiếp theo. Cửa transit thường nó nằm trên đường đi ra chỗ xuất cảnh luôn. Bạn cứ nhìn bảng chỉ dẫn là thấy thôi. Còn đối với bạn nào có hành lí ký gửi thì vẫn phải làm thủ tục xuất cảnh ra ngoài lấy hành lí, sau đó checkin, gửi hành lí vào lại chuyến sau như bình thường nhé!

3. Các khu vực chính ở Bali

Bali là một hòn đảo rộng lớn với diện tích 5.780 km2, trên đảo chỉ tập trung về dịch vụ du lịch là chủ yếu. Ở đây có 3 khu vực chính để các bạn vui chơi hoặc nghỉ dưỡng, đó là khu Kuta, Ubud và Nusa Dua.

3.1. Khu Kuta

Đây là khu vực trung tâm nhất của Bali, nó nằm sát bãi biển và cách sân bay chỉ 1-2km nên nếu bạn đặt phòng khách sạn ở khu vực Kuta này và chịu khó đi thì chỉ mất tầm 15p – 30p đi bộ từ sân bay là tới khách sạn. Khu Kuta tập trung nhiều hàng quán, cafe, nhà hàng, shop, bar, resort ven biển,…tất tần tật đều có. Đặc biệt rất tập nập và nhộn nhịp vào buổi tối. Bạn nào thích sự tấp nập nhộn nhịp thì nên ở Kuta lâu hơn để tận hưởng.

Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali - hình 3

Đường phố Kuta về đêm rất náo nhiệt

3.2. Khu Ubud

khu này nằm ở phía Bắc so với Kuta, từ Kuta đi lên trên (theo bản đồ) khoảng hơn 35km. Khu Ubud yên bình và ít nhộn nhịp hơn so với Kuta, đây là nơi tập trung rất nhiều đền thờ cổ kính của người dân theo đạo Hindu. Nó giống như các khu vực làng quê của VN mình vậy. Ubud cũng là trung tâm văn hóa của hòn đảo với khá nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc được tổ chức liên tục.

Trung tâm của Ubud là các trục đường xung quanh khu Monkey Forest (khu rừng khỉ, mình giới thiệu bên dưới). Đi xa hơn lên phía bắc thì bao la bát ngát ruộng đồng, mấy chỗ này không khác gì miền Tây hoặc Tây Bắc của Việt Nam mình. Đường xanh mát, 2 bên là đồng lúa, thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp những cách cổng đặc trưng của Bali như hình

Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali - hình 4

Nếu chạy xe máy ra các vùng ngoại ô xa thì bạn sẽ thấy những cánh cổng như vậy rất nhiều

3.3. Khu Nusa Dua

Đây là khu tập trung nhiều resort cao cấp nhất. Khu này thích hợp với các bạn thích du lịch nghỉ dưỡng hoặc du lịch trăng mật dành cho các cặp mới cưới.

Ở bài viết này mình chỉ ở 2 khu là Kuta và Ubud, nên mình sẽ tập trung vào các địa danh, đền đài chủ yếu ở 2 khu này thôi nhé!

4. Về di chuyển

Các bạn sau khi đến sân bay Bali (DPS) thì đi ra ngoài sảnh tới quyầy đăng kí dịch vụ taxi để bắt taxi về khách sạn. Tuy nhiên nếu bạn nào book khách sạn hoặc resort từ 3 sao trở lên ở các khu ven biển nổi tiếng như Kuta hay Nusa Dua thì sẽ có dịch vụ đưa đón sân bay miễn phí. Các bạn để ý điều này nhé! Đường sá ở Bali khá nhỏ, xe máy cũng rất đông như ở Việt Nam mình. Vào giờ cao điểm thì ở khu trung tâm Kuta kẹt xe thường xuyên hoặc di chuyển rất chậm.

4.1. Đi taxi từ sân bay về khách sạn

Taxi ở sân bay thường nói thách giá rất cao, nếu trong bán kính vài km thì các bạn có thể trả giá thoải mái. Ví dụ chặng đường từ sân bay về khách sạn khoảng 5km – 10km thì giá taxi chỉ tầm 50.000 IDR – 70.000 IDR nhưng sẽ bị nói thách lên 200.000 IDR – 300.000 IDR. Bạn nào book khách sạn thì nhớ chọn vị trí gần gần sân bay chút để dễ đi bộ hoặc đi taxi cũng tiện. Lúc mình đi du lịch bụi Bali tới sân bay DPS thì đã khuya tầm 1h sáng, taxi nói thách 250.000 IDR và mình trả xuống còn 60.000 IDR cho đoạn đường chưa tới 4km (vẫn còn mắc). Nếu ban ngày mình sẽ dư sức đi bộ ngắm đường phố cũng được :))

Bạn nào đi 1 mình có thể bắt Grab cũng được nhé! Mình có nói chuyện với ông tài xế taxi trong sân bay thì ổng bảo Grab và Uber bị cấm ở Bali nhưng lúc về di chuyển ra sân bay mình mở app Grab lên và vẫn bắt được Grab Bike, giá khoảng 19.000 IDR.

Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali - hình 5

Hóa đơn mình đi Grab Bike từ khu trung tâm Kuta, đường Legian về sân bay

4.2. Đi xe bus giữa Kuta và Ubud

Di chuyển từ Kuta đến Ubud (và ngược lại) mình đi xe của hãng Perama, xe màu đỏ. Đây là 1 hãng xe rất nổi tiếng của Indonesia với giá cả phải chăng, nhân viên thân thiện và rất nhiệt tình. Giá vé đi từ Kuta -> Ubud là 60.000 IDR/chiều. Mình book khứ hồi nên được giảm 20.000 IDR còn 100.000 IDR. Bạn có thể đặt trước lộ trình, ngày giờ online trên web của họ tại đây, họ sẽ trả lời xác nhận qua email cho bạn. Khi tới nơi nhận vé rồi mới trả tiền sau.

Ngoài dịch vụ bus ra thì họ còn có rất nhiều dịch vụ như tour khám phá, tham quan đảo, leo núi, trekking, chèo thuyền khá hấp dẫn. Tuy nhiên mình chỉ quan tâm tới đi bus thôi nên không chọn những cái đó.

4.3. Đi xe máy tham quan

Do đi du lịch bụi Bali 1 mình nên ở Kuta và Ubud mình đều thuê xe máy để đi tham quan và đi vòng vòng chơi cho tiện. Giá thuê xe máy là 60.000 IDR/ngày. Thủ tục rất đơn giản, bạn chỉ cần điền thông tin bằng lái vào cái form và đưa tiền trước là xong, không cần đặt cọc hay thủ tục phức tạp gì. Mình thuê xe tại khách sạn luôn và hầu như khách sạn nào cũng có dịch vụ cho thuê xe máy. Bạn thuê xong nhớ chụp hình lại chiếc xe và biển số để sau này đi chơi gửi xe khỏi quên.

Việc di chuyển bằng xe máy ở các địa điểm ở Kuta khá thuận tiện và dễ dàng. Các bạn cứ nhắm đường theo Google Map mà đi thôi. Đường đi bên Bali – Indonesia là bên trái nhe, ngược đường với bên VN mình nên bạn cẩn thận khi chạy.

Việc đổ xăng cũng cực dễ. Cây xăng lớn khá ít trên đảo nhưng rất nhiều trạm xăng do nhà dân mở, nó giống như mấy tiệm tạp hóa bán xăng bên mình vậy. Họ đổ xăng vô những chai thủy tinh rồi xếp lên kệ để trước cửa, mỗi chai có giá sẵn tùy loại từ 10.000 IDR – 20.000 IDR. Mỗi lần đổ thì 1 chai 10.000 IDR là đủ chạy vô tư

5. Về khách sạn, nhà nghỉ

Do mình đi du lịch bụi Bali nên chọn ở phòng dorm để tiết kiệm. Mình ở Kuta 2 ngày, ở Ubud 2 ngày, khách sạn ở Kuta thường mắc hơn chút so với Ubud.

Xem thêm: Top 10 Hostel tốt và rẻ ở Bali Indonesia dành cho dân du lịch bụi

Khách sạn ở Kuta mình họn là H-Ostel Bali, giá $10,5/ngày bao gồm ăn sáng, địa chỉ: Kuta Square Blok E 8 80361 Kuta Indonesia. Phone: +623614752387. Tuy là ở dorm nhưng phòng rất tốt, nhân viên rất thân thiện và nhiệt tình.

Mình chọn khách sạn này vì sau khi nghiên cứu thì thấy vị trí của nó là tối ưu nhất, nó ở ngay trung tâm, nằm gần sân bay nên có thể đi bộ được (3km), gần bến xe bus để tiện di chuyển đi/về Ubud, gần trục đường lớn Legian Kaja sầm uất, gần bãi biển, khu ăn uống, khu chợ mua sắm Kuta Square, Kuta Market,…Nói chung là từ đây bạn có thể đi bộ tới hầu hết các điểm ăn chơi, mua sắm ngay trung tâm. Còn đi tham quan đền đài thì phải đi xe máy nhé! Xem thêm nhiều khách sạn ở Kuta

Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali - hình 6

Bức tranh trang trí trên tường khách sạn H-Ostel khá đẹp

Khách sạn ở Ubud mình chọn là Ode Hostel, giá $6/ngày bao gồm ăn sáng, địa chỉ: Jalan Monkey Forest nomor 68, 80571 Ubud. Phone: +6281236504028.

Mình chọn ở khách sạn này do nó cũng gần bến xe bus, gần khu vực ngã tư trung tâm ở Ubud là đường Raya Ubud và đường Monkey Forest. Ở đây về đêm cũng tấp nập nhộn nhịp không kém ở Kuta. Từ khách sạn bạn có thể đi bộ tới Ubud Palace, Ubud Market hoặc vô số các quán ăn, shop lưu niệm trên các trục đường này. Xem thêm nhiều khách sạn ở Ubud

6. Về ăn uống

Do mình đi du lịch bụi Bali nên ăn uống khá đơn giản và tiết kiệm, có vài bữa ăn sang để thưởng thức món đặc sản của họ thôi :)). Có 2 món mình đã thử qua là Nasi Goreng và Babi guiling

Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali - hình 7

Món đặc sản Nasi Goreng bao gồm cơm chiên ăn với trứng ốp la, thịt nguội, chả lụi, thịt gà, bánh phồng và mấy thứ linh tinh khác. Ăn rất ngon

Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali - hình 8
Món Babi guiling gồn cơm ăn với thịt heo kho, da heo chiên giòn, rau tập tàng, sả và 1 chén canh gà. Mùi vị ngon và gần giống như Việt Nam mình

Cả 2 khách sạn mình ở đều có kèm bữa sáng trong đó nên mình ăn sáng ở khách sạn trước rồi mới đi tham quan. Họ làm khá ngon cho người nhà ăn nên làm luôn cho khách, giống như mình ăn ở nhà vậy.

Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali - hình 9

Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali - hình 10

2 món này mình ko nhớ tên gì :)), có kèm 1 ly cafe mập ú uống dở ẹc, không sao sánh bằng cafe Việt Nam được

Ăn trưa và tối mình ăn cũng đơn giản. Trong khi chạy tới các đền ở trên núi Pura Ulun thì mình ghé ăn bụi dọc đường luôn. Bên này cũng có mấy xe đẩy giống như hũ tíu gõ bên mình vậy. Món mì cũng khá ngon, sợi mì làm bằng bột gạo thì phải.

Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali - hình 11

Lót tấm vải ở dưới để bưng khỏi nóng tay, ăn đứng chứ họ bán cũng ko có ghế ngồi :)). Vừa đứng ăn vừa trò chuyện với mấy người xung quanh. Rất thú vị.

Trên đảo Bali mình hoàn toàn không thấy cái cửa hàng tiện lợi 7-Eleven nào cả. Toàn bộ là Indomark, Circle K và 1 vài chuỗi cửa hàng tiện lợi ở địa phương địa phương như Alfamart. Vào đó mua đồ ăn sáng, trưa, tối đều được nhé!

7. Các địa điểm tham quan ở Kuta

Ở Kuta có 2 cái đền rất nổi tiếng là đền Tanah Lot và đền Uluwatu, và 1 bãi biển rất đẹp là Pantai Uluwatu. Đây là 3 địa điểm mà bạn nhất định phải ghé khi ở khu Kuta

7.1. Đền Tanah Lot (Tanah Lot Temple)

Đây là một trong những ngôi đền lớn và đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của người dân Bali. Đền thờ các vị thần của đạo Hindu, được xây dựng trên một hòn đá lớn nằm giữa biển. Đây là nơi cầu nguyện và tổ chức các lễ hội tín ngưỡng thường xuyên của người dân.

Đền này nằm cách trung tâm Kuta khoảng 25km về hướng Tây Bắc, các bạn chạy xe máy khoảng 1h là tới nơi, đường đi cũng khá dễ, trên đường đi bạn sẽ bắt gặp những bảng chỉ đường đến nó. Hoặc bạn tra Google Map rồi đi theo nó cũng được. Mình đi theo Google map chỉ.

Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali - hình 12

Toàn cảnh mình chụp ngôi đền Tanah Lot, rất đông khách
Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali - hình 13
Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali - hình 15

Vé vào đền là 30,000 IDR, gửi xe miễn phí và cũng không có ai coi xe cả. Bạn nào đi xe máy thì tới bãi dựng đó rồi đi vào thôi. Lúc mình đi là biển động nên họ không cho đi qua bên kia đền.

7.2. Đền Uluwatu (Uluwatu Temple)

Đây là một trong những ngôi đền lâu đời nhất và quan trọng nhất ở Bali. Đền Uluwatu được xây dựng trên vách đá dựng đứng ven biển giữa 1 bên là vách núi đá, 1 bên là đại dương mênh mông với những con sóng tung bọt trắng xóa. Các bạn nhìn ở ngoài sẽ thấy nó hùng vĩ hơn trong hình nhiều.

Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali - hình 16
Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali - hình 17

Đền nằm trên vách đá dựng đứng với 1 bên là sóng biển vỗ trắng xóa

Đền này nằm cách trung tâm Kuta khoảng 45km theo hướng Tây Nam với chừng hơn 1h30 chạy xe máy. Cũng không xa lắm.

7.3. Bãi biển Pantai Uluwatu

Đây là 1 bãi biển khép kín và khá khó tìm, nó nằm gần đền Uluwatu luôn nên bạn nào đi đền Uluwatu thì sẵn ghé bãi biển này luôn. Bãi này vẫn còn khá hoang sơ và ít người biết. Nếu đi theo chỉ dẫn trên bản đồ thì bạn chỉ có thể thấy được 1 phần của bãi này thôi, đó là các vách núi đá giống như hang động vậy. Nhưng khi chui qua các hang đá này sẽ đi ra tiếp 1 bãi nhỏ hơn nằm khuất phía sau, đây mới chính là chỗ đẹp nhất ở đây.

Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali - hình 18
Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali - hình 19

Lúc mình đi thì khá vắng vẻ, ở đây hầu hết là khách Tây đi tắm biển và lướt sóng. Chỗ này có cái hay là các bãi đá sắp xếp quây lại thành cái hồ tắm tự nhiên rất đẹp. Bạn nào thích thì nhảy vô ngâm mình là hết xẩy.

Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali - hình 20

Nhiều người nằm phơi nắng dưới các tảng đá lớn

Mình ở Kuta thuê xe máy đi vòng vòng khu trung tâm thì thấy đường phố ở Kuta khá nhỏ, xe máy cũng đông như bên VN mình, tuy nhiên rất ít khi có tiếng còi xe hoặc kẹt xe lâu. Họ chạy hầu như không có lấn làn hoặc leo lề như bên mình. Nếu có kẹt xe thì cùng lắm là chờ vài phút ở ngã tư do đèn xanh, đèn đỏ hơi lâu thôi, và đa số có người điều tiết giao thông.

Buổi tối ở Kuta rất nhộn nhịp và đông đúc. Mình đi bộ dọc dọc theo các con đường chính để tìm quán ăn. Xe cộ rất nhiều nhưng hầu hết các khách sạn lớn trên đường đều có bảo vệ xin đường cho xe của khách ra vào nên cũng ít bị tắc đường.

8. Di chuyền đến Ubud

Di chuyển từ Kuta tới Ubud thì mình đi xe bus hãng Perama như đã nói ở trên. Xe chạy đúng giờ và thoải mái. Bến xe của Perama ở Ubud cũng ngay trung tâm luôn, từ đây mình đi bộ về khách sạn khoảng hơn 1,5km, đi khoảng 20p-30p là tới.

Khách sạn ở Ubud mình đặt là Ode Hostel, cái khách sạn này nằm ngay trên đường Monkey Forest luôn nhưng khá khó tìm, do nó nằm thụt sâu vào bên trong, ở ngoài cửa có để mấy tủ kệ trưng bày thông tin du lịch gì đó. Mình đi qua đi lại phải 3 lần vẫn không thấy nên hỏi xung quanh thì họ chỉ vào bên trong. Ở ngoài bảng hiệu là Dewa Hostel nhé, nhưng 2 thằng này là 1 chủ. Chỗ này là nhà dân họ ngăn 1 phòng riêng ra rồi gắn máy lạnh, kê giường tầng lên thành cái phòng dorm thôi, nhưng khá ổn. Giá rẻ và bao bữa sáng.

Đường sá ở Ubud có độ dốc khá nhiều, càng đi lên phía Bắc thì càng dốc. Bạn nào đi thì nhớ thuê xe máy mà đi nhé, chứ đi xe đạp là hơi mệt. Một số điểm tham quan ở Ubud mà mình đã đi như khu rừng khỉ (Monkey Forest), đền Goa Gajah, đền Taman Ayun, đền Pura Tirta, ruộng lúa Tegalalang Rice Terrace

9. Các địa điểm tham quan ở Ubud

9.1. Khu rừng khỉ Monkey Forest Ubud

Khu rừng này nằm ngay trung tâm Ubud, giá vé vào cổng là 50.000 IDR. Đúng như tên gọi của nó, bên trong toàn khỉ là khỉ. Bạn sẽ gặp khỉ ở mọi nơi, trên đường đi, trên các tượng đá, trên cây, trong đền…Vào đây chủ yếu là xem khỉ thôi chứ cũng không có gì đặc biệt.

Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali - hình 21

Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali - hình 23

Có một lối đi bằng gỗ rất đẹp mắt trong khuôn viên rừng

Ở đây người ta cũng có bán chuối cho khỉ ăn, giá từ 20.000 IDR đến 50.000 IDR/1 nải. Đặc biệt các bạn nên cẩn thận với túi xách, mắt kính, nón và mấy món đồ trang sức vì nhiều người đã bị khỉ lấy. Cũng đừng chọc nó vì có mấy con đầu đàn rất dữ.

Điểm thú vị của khu rừng khỉ này là rất nhiều tượng khỉ, tượng thần, linh vật với các hình thù, tư thế 18+ khá lạ mắt.

Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali - hình 24

9.2. Đền Goa Gajah (Goa Gajah Temple)

Đền Goa Gajah hay còn được gọi là Hang Voi (Elephant Cave). Đây là ngôi đền Hindu được xây dựng từ thế kỉ 11, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1995. Ngôi đền này khá nhỏ, bạn đi chừng 15p là hết, nhưng chứa đựng rất nhiều giá trị lịch sử ở Bali.

Điểm đặc biệt của ngôi đền Goa Gajah này là 1 hang động nhỏ với phần cửa ra vào được chạm khắc là đầu của 1 con quái vật nhìn rất hung dữ. Bên trong hang khá ẩm, bên phải là 3 bức tượng thần nhỏ, còn bên trái đặt tượng voi Ganesh.

Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali - hình 25

Giá vé vào cổng là 15.000 IDR, giữ xe thêm 2.000 IDR nữa.

9.3. Đền Gunung Kawi (Gunung Kawi Temple)

Đây là 1 trong những ngôi đền Hindu cổ xưa nhất ở Bali, nó có giá trị lịch sử cũng như giá trị tôn giáo đặc biệt đổi với người dân nơi đây. Điểm đặc biệt của chỗ này là những ngôi đền nhỏ được tạc hẳn vào vách đá với đầy rêu phong phủ kín, mang nét cổ kính rất đẹp. Mình đến chỗ này vào sáng sớm nên khá yên tĩnh và ít du khách. Lối vào là 1 hành lang các bậc cấp bằng đá, khoảng hơn 200 bậc. Ở lối vào cũng có khá nhiều người bán xà rông chào mời, nhưng bạn đừng mua nhé, sẽ bị chém đẹp đó!

Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali - hình 26

Lối vào hơn 200 bậc cấp bằng đá

Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali - hình 27

Các ngôi đền nhỏ hơn được tạc hẳn vào vách đá

Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali - hình 28

Xung quanh có dòng suối nhỏ chạy ngang với các tảng đá, rừng cây, bức tường bám đầy rêu rất đẹp

Giá vé vào cổng là 15.000 IDR, giữ xe 2.000 IDR

9.4. Đền Pura Tirta (Pura Tirta Empul)

Đền Pura Tirta hay còn gọi là đền nước thiêng, là một trong những ngôi đền quan trọng nhất ở Bali từ thế kỉ 10. Điểm đặc biệt của ngôi đền này là hồ nước nhỏ ở giữa trung tâm. Tương truyền nước trong hồ là nước thánh chảy từ con suối bao quanh đền vào. Dân ở đây thường đến tắm để gột rửa bụi trần, thanh lọc bản thân, tâm hồn. Hôm mình đi gặp đúng ngay ngày lễ gì của người dân nên thấy họ làm lễ khá long trọng.

Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali - hình 29

Hồ nước thiêng ở giữa, rất nhiều người dân và du khách xuống tắm

Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali - hình 30

Người dân chuẩn bị lễ cúng

Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali - hình 31

Nghi thức cúng bên trong sân 1 ngôi đền nhỏ

Giá vé vào cổng đền này là 15.000 IDR, giữ xe 3.000 IDR

9.5. Ruộng lúa bậc thang (Tegalalang Rice Terrace)

Chỗ này khá nổi tiếng ở Bali, đa số những ai tới Bali đều ghé thăm do nó có view khá đẹp. Mình thấy chỗ này rất nhỏ và không thể nào sánh với các ruộng lúa bậc thang ngoài Bắc được nhưng cách làm du lịch của họ rất tốt nên ai cũng biết. Xung quanh chỗ này là các quán ăn, quán cafe với view nhìn ra ruộng lúa nên nhiều người thích chụp hình.

Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali - hình 32

Cánh đồng lúa bậc thang nổi tiếng, có lối đi cho người tham quan đi xuống

9.6. Đền Pura Ulun Danu (Pura Ulun Danu Beratan)

Đền Ulun Danu này cũng thuộc vào top một trong những ngôi đền quan trọng nhất ở Bali. Ngôi đền được xây dựng để thờ nữ thần nước Devi Danu. Vị trí đền ở độ cao hơn 1200m so với mặt nước biển, và được xây trên mặt nước của hồ thiêng Beratan (hay còn gọi là Bratan).

Do ở trên núi cao nên khí hậu ở khu vực này khá lạnh và gió nhiều nên bạn nào đi đền này nên mặc thêm áo khoác nhé. Vị trí đền cũng khá xa so với trung tâm Ubud, cách khoảng 55km đi đường núi khá dốc. Tuy nhiên đường sá tốt nên bạn nào chạy xe máy cũng không sao.

Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali - hình 33

Vé vào cổng là 50.000 IDR. Trên mặt hồ có mấy dịch vụ chèo thuyền, cano lượn quanh hồ để ngắm cảnh, tuy nhiên giá khá mắc nên mình không đi. Đứng bên này hồ có thể nhìn toàn cảnh dãy núi bên kia với mây trắng phủ rất đẹp.

Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Bali - hình 34

Mây trắng phủ quanh dãy núi bên hồ

10. Một vài lưu ý khi đi du lịch bụi Bali

  • Múi giờ ở Bali là GMT+8, tức là sẽ sớm hơn Việt Nam 1 giờ. Ví dụ ở VN là 8h thì ở Bali là 9h
  • Bên Bali họ cũng sử dụng điện 220v và ổ cắm 2 chấu như ở Việt Nam mình, nên bạn ko cần phải mang đầu chuyển theo
  • Tỉ giá đồng Rupiad của Indo bằng khoảng 1,7 lần đồng VN (1 IDR = 1,7 VND)
  • Nếu bạn ở lâu thì nên mua cái sim 3G để xài, giá tầm 30.000 IDR – 40.000 IDR thì phải (mình ko nhớ rõ do nó có nhiều loại). 3G thì khá chậm và chập chờn. Mình mua xài đúng vài lần rồi bỏ luôn.
  • Nếu bạn nào đi nhóm thì thuê xe hơi riêng cho tiện cũng được, họ tính giá theo ngày tầm 50USD-80USD/ngày, xe đã có tài xê riêng.

11. Lời kết

Trên đây là một số kinh nghiệm đi du lịch bụi Bali của mình, cũng như các điểm đến không thể bỏ qua khi bạn đến đây. Giá cả và mức sống ở đây cũng không đắt đỏ mấy, trừ khi bạn ăn sang chảnh :)). Bạn hoàn toàn có thể tự đi 1 mình khám phá hoặc đi theo nhóm đều được. Nó chỉ mắc ở tiền vé máy bay thôi, nên bạn nào có ý định đi thì nên mua vé trước vài tháng để có giá rẻ nhất nhé!

Chúc các bạn có 1 chuyến du lịch bụi Bali thật vui vẻ

5/5 - (38 votes)