Cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam: Tà Năng – Phan Dũng – Mùa cỏ cháy
Nói đến Tà Năng – Phan Dũng chắc hẳn nhiều người đều biết đến. Đây được mệnh danh là cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam được rất nhiều phượt thủ tìm đến. Cung trekking Tà Năng Phan Dũng đặc biệt nổi tiếng từ khoảng 3 năm trở lại đây. Hàng tuần đều có khá nhiều nhóm từ khắp nơi đổ về khám phá
Để đi hết cung đường này các bạn sẽ mất khoảng 2,3 ngày đi bộ và phải trải qua rất nhiều đoạn băng rừng, lội suối, leo đồi rất thú vị và hao tổn sức khỏe. Các bạn cũng phải cắm trại ngủ trên đồi hoặc trong rừng 1,2 đêm.
Nội dung bài viết
1. Giới thiệu cung đường trekking Tà Năng Phan Dũng
Mình giới thiệu sơ qua Tà Năng – Phan Dũng 1 chút nhé! Đây là con đường mòn nối liền 3 tỉnh của Việt Nam: Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận với độ dài khoảng 40km – 50km. Có khá nhiều hướng đi, nhưng điểm cuối là xã miền núi Phan Dũng thuộc tỉnh Bình Thuận. Đường mòn được hình thành do những chuyến xe đi rừng của người dân địa phương. Đa số mọi người đến đây đều chọn hình thức đi bộ đường dài (trekking), cũng có 1 số ít nhóm chạy xe máy và xe đạp để khám phá.
Mình xin giới thiệu bài viết bên dưới của 1 thành viên trong nhóm đã đi tiền trạm trong dịp lễ 30/4 – 1/5/2016 vừa rồi. Do hiện tại đang nở rộ phong trào trekking Tà Năng Phan Dũng nên mình trích đăng lại để mọi người cùng theo dõi nhé!
Mục đích của chuyến đi tiền trạm này là để kiểm tra đường đi, bản đồ và lập kế hoạch chuẩn bị cho chuyến đi ngày 30/4 của nhóm phượt diễn ra suôn sẻ và không gặp sự cố.
Mục đích của note này là để mọi người có thể nắm rõ được những con đường, những thứ mà mình sẽ trải qua để mọi người có thể chuẩn bị tốt hơn cho hành trình của mình. Vì thế nên hình ảnh chủ yếu trong post này chủ yếu là ảnh đường đi, hoạt động chứ ít có ảnh cảnh vật thiên nhiên. Với lại chụp bằng con điện thoại cùi nên chất lượng ảnh hơi thấp mọi người thông cảm!
2. Chuẩn bị cho chuyến trekking Tà Năng Phan Dũng
Mỗi người tự chuẩn bị
- Khoảng 6 lít nước (nước suối + nước muôi ion)
- Đồ ăn cho 1 bữa sáng 2 bữa trưa và một bữa tối (sandwich, xúc xích, đồ hộp, bánh kẹo,…)
- 1 bộ quần áo để thay
- 1 đôi giày trekking và một đôi dép (tùy thích)
- Khăn đa năng, áo khoác, áo mưa, chăn và các vật dụng cá nhân khác.
- Một cái lều 4 người.
- Dao, tô nấu nước, cồn, muỗng, đũa.
- Điện thoại có GPS, sạc dự phòng ( 2 cái/người )
- Tracklog location + nhật ký hành trình ở trên mạng do các nhóm khác đã đi và up lên.
- Do tự đi không có porter nên cái này cực kỳ quan trọng.
- Thuốc men thông dụng như nhức đầu, đau bụng, cảm cúm…
=> Tổng cộng hành lý của mỗi người phải vác là khoảng 12-15kg.
3. Hành trình chi tiết cung Tà Năng Phan Dũng
3.1. Ngày 9/4
– 00h00: Cả nhóm lên xe Phương Trang tuyến Sài Gòn – Đà Lạt xuất phát từ Quận 7, giá vé là 210k. Xe chạy nhanh và khá xốc nên rất khó ngủ.
– 04h30: Cả nhóm xuống xe tại Ngã ba Tahine, Đức Trọng, Lâm Đồng. – Lúc này gọi a.Cường chạy xe 7 chỗ ra rước (đã gọi điện đặt trước khi đi). Cả bọn ngồi lề đường chém gió nói chuyện chờ xe ra đón.
– 5h00: Xe tới và hốt cả bọn đi ăn sáng. Trên đường đi có đi ngang qua hồ thuỷ điện Đại Ninh, kết hợp với bình minh nhìn rất đẹp và hùng vĩ. Tuy nhiên do xe chạy nhanh nên không chụp lại được.
– 05h40: Xe tới thị trấn. Cả nhóm ăn sáng và đi chợ mua thêm thực phẩm.
Cả nhóm vô chợ mua thêm thực phẩm: khoai lang, bánh chưng, bánh mì, than và nhờ ông chủ xe đặt người dân ướp sẵn 1 con gà xách theo.
– 06h20: Lên xe xuất phát tới điểm bắt đầu trekking tại xã Đa Quyn.
– 07h20: Tới vị trí bắt đầu trekking.
Bắt đầu hành trình trekking Tà Năng Phan Dũng. Đoạn đầu đường rộng bằng phẳng tương đối dễ đi nhưng hơi bụi.
– 07h50: Tới cột mốc đầu tiên trong tracklog là nhà hoa giấy.
– 08h30: Tới cột móc quan trọng thứ 2 là bìa rừng Tà Năng
Tới lúc này nhóm đã trekking liên tục hơn 1 tiếng nên quyết định nghỉ ngơi 15p.
– 08h45: Tiếp tục lên đường
Lúc này bắt đầu xuất hiện những con dốc. Những con dốc ở rừng Tà Năng có đặc điểm là ngắn nhưng lại có độ dốc lên tới 60 – 70 độ. Việc phải vác balo hơn 10kg và leo lên những con dốc này rất mất sức và không dễ dàng.
– 09h30: Nghỉ lần 2. Do phải vượt qua những con dốc nên nhóm bị giảm tốc độ.
Tiếp tục lên đường. Vẫn là những con dốc 60 – 70 độ.
– 11h00: Nhóm tới được điểm nghỉ trưa ghi trên tracklog. Chỗ này là điểm tập kết nghỉ ngơi của thợ rừng (mọi người hay gọi là lâm tặc). Mình gọi là thợ rừng vì thấy họ cũng tốt bụng và tận tình. Đi đường gặp họ mình gọi hỏi đường thì ai cũng dừng và hướng dẫn rất chi tiết.
Xem như kết thúc hành trình buổi sáng. Cả nhóm trải bạt ăn uống ngủ nghỉ lấy lại sức.
Sau khi ăn uống làm một giấc cỡ 1 tiếng rưỡi. Do rừng thưa nên nắng rọi khá gắt và nóng.
– 13h30: Thu dọn và bắt đầu tiếp tục hành trình buổi chiều.
Lúc dừng lại nghỉ ngơi, cả nhóm được chứng kiến một pha hành động như phim. Một chiếc xe máy do thợ rừng điều khiển hai bên móc 2 cây gỗ to đang đi xuống dốc thì mất lái, cái xe lộn nhào 2 vòng trên không và bay xuống hố bên cạnh dốc. Cũng may là ông thợ rừng bay ra kịp chứ không thôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
– 14h00: Cả nhóm ra khỏi rừng Tà Năng và tới khu đồi trọc. Từ lúc này sóng điện thoại bắt đầu mất hút.
Tuy là không xanh mướt như review trên mạng do đang là mùa khô, nhưng khung cảnh vẫn hoành tráng và hùng vĩ tạo cảm giác sướng khó tả.
Đoạn đường từ đây là những con đường mòn nhỏ xuyên qua những quả đồi. Có lúc thì bắt ngang qua sườn đồi, có lúc thì phải leo lên đỉnh rồi đi xuống. Sau buổi sáng thì trọng lượng của balo vẫn còn khoảng 10kg nên việc vượt đồi khá là mất sức, đặc biệt là những đoạn lên xuống dốc. Lúc này, vai của mọi người đều đã sưng và nhức do phải vác nặng trong thời gian dài.
Đặc điểm của những còn đường mòn ở đây là hẹp và có rãnh sâu ở giữa. Những rãnh này được tạo ra do xe máy độ bánh xe quấn xích của thợ rừng chạy để lại. Không nên đi vào những rãnh này vì rất dễ trặc chân, nên đi ở 2 bên mép đường.
Mục tiêu tiếp theo là kiếm được điểm hạ trại lúc 17h00.
– 15h00: Cả nhóm tới được điểm hạ trại ban đêm ghi trên tracklog. Tuy nhiên lúc này vẫn còn sớm nên cả nhóm quyết định tiếp tục đi tiếp.
– 17h00: Trời bắt đầu tối cả nhóm quyết định tìm địa điểm hạ trại.
Trong lúc nướng gà, mọi người tranh thủ ăn tối. Thực phẩm gồm đồ hộp, dưa leo, xúc xích và bánh mì lúc sáng ở chợ. Chắc do mua than dỏm nên sau 3 tiếng đồng hồ ngồi nướng con gà vẫn chưa chín. Cuối cùng cả nhóm bỏ cuộc để con gà đó luôn. Con gà này là FAIL nhất trong suốt cả chuyền đi. Mọi người ngồi ngắm sao chém gió một tí rồi vào lều đi ngủ.
– 21h00: Chui vô lều đắp chăn đi ngủ.
Trong lúc ngủ có tiếng xe máy và tiềng thợ rừng cười nói ở bên ngoài. Có mình với chú Kiệt nghe thấy thôi 2 chú kia thì phê quá say giấc nồng rồi. Mình thì tưởng là đang mơ do nghỉ là tối rồi sao thấy đường mà chạy, còn chú Kiệt thì nằm thủ sẵn cây gậy lỡ có biến thì chiến liền. Cuối cùng mấy ông thợ rừng bỏ đi, chắc tại đi ngang thấy con gà để trơ trọi ngoài trời trên bếp lửa nên dừng lại coi. An toàn yên ắng ngủ tới sáng.
3.2. Tổng kết ngày 1
Di chuyển từ điểm bắt đầu tại xã Đa Quyn tới giữa khu đồi trọc Tà Năng. Tổng quảng đường đi chuyển là khoảng 18km. Nhanh hơn dự kiến. Tình trạng sức khoẻ: chân tê nhức, vai đau do phải vác balo hơn 10kg băng rừng, vượt đồi leo dốc cả ngày.
3.3. Ngày 10/4
– 05h30: Thức dậy đón bình mình trên đồi và ăn sáng.
– 07h00: Hạ trại tiếp tục lên đường xuống Phan Dũng. Mục tiêu là tới được thị trấn Phan Dũng lúc 12h00 (khoảng 18km nữa).
Đoạn đầu vẫn là băng qua những ngọn đồi còn lại của Tà Năng. Do đã mất khá nhiều sức hôm trước, nên tốc độ di chuyển của đoàn qua những ngọn đồi khá chậm (khoảng 1.6km/h). Đầu gối mình bắt đầu nhức mỗi khi lên xuống đồi.
– 08h30: Kết thúc đoạn đồi Tà Năng và bắt đầu vào rừng Phan Dũng.
Bằt đầu từ lúc này tracklog trên map không còn hiện đường đi mà chỉ còn những check point hướng dẫn vì thế nhóm phải liên tục kiểm tra hướng mũi tên trên map để không bị đi lạc.
Đường đi trong rừng Phan Dũng rất xấu, nhỏ hẹp, nhiều đất đá, chướng ngại. Lúc này chủ yếu là xuống dốc dài nên rất mất sức. Ngoài ra còn một điểm nữa là đường đi trong rừng Phan Dũng rất nhiều ngã rẽ, nếu không có tracklog hoặc hướng dẫn chắc chắc là sẽ đi lạc.
3.4. Một số hình ảnh đoạn mới vào rừng Phan Dũng
Sau những đoàn này là bắt đầu xuống những con dốc dài. Do phân bố lực chân không đều nên lúc này đầu gối phải của mình bị đau không co lại được. Vì thế nên việc xuống những con dốc rất khó khăn phải nhích từ từ từng bước một. Tốc độ di chuyển của đoàn cũng vì thế mà bị giảm xuống.
– 10h00: Nhóm tới được con suối lớn đầu tiên và cũng là con suối duy nhất trong rừng Phan Dũng. Tất cả các suối khác đều đã cạn khô.
Mọi người xuống rửa mặt, ngâm chân, xoa bóp cho đỡ nhức rồi bắt đầu ăn trưa. Lúc này cố gắng ăn được những thứ còn lại trong balo càng nhiều càng tốt để giảm trọng lượng balo xuống. Nước lúc này mỗi người còn khoảng 1 – 2 lít. Kiệt quyết định hứng 2 chai nước suối theo đề phòng. Dựa theo tracklog và review trên mạng thì còn khoảng 4km nữa sẽ ra tới bìa rừng Phan Dũng, lúc đó có thể gọi xe ôm vào rước ra thị trấn Phan Dũng. Mọi người quyết định đi nhanh chóng.
– 10h30: Nhóm rời suối và tiếp tục lên đường. Đường lúc này tương đối dễ đi. Tuy nhiên do phải di chuyển vào thời điểm giữa trưa cộng với mùa khô nên mọi người khá là mất nước và mất sức.
– 11h30: Nhóm còn cách bìa rừng Phan Dũng 1.1km. Lúc này lại bắt đầu phải xuống dốc nên đầu gối mình lại đau trở lại, tốc độ giảm rõ rệt, phải nghĩ nhiều chặng. Nước lúc này còn tổng cộng 3 chai nước lọc và 2 chai hứng từ suối lúc nãy.
Lúc còn cách bìa rừng khoảng 500m thì nhóm ngồi nghỉ. Lúc đó đột nhiên có một chị từ đâu trong rừng chạy ra xin nước uống tu một hơi hết nữa chai. Chị đó bảo đoàn của chị đó có 5 người xuất phát từ Phan Dũng dự tính lên Thác Yahly với đồi lính gì đó rồi quay lại.
Nhóm chị đó xuất phát từ sáng thứ 7 từ bìa rừng Phan Dũng (chỗ mà nhóm mình đang di chuyển ra) nhưng sau đó lại bị lạc trong rừng cả 1 ngày. Mỗi người trong nhóm chỉ mang 3 lít nước do dự tính là sẽ hứng nước thêm trong suối. Tuy nhiên lại bị lạc và không tìm ra được con suối lớn mà nhóm mình đã nghỉ lúc nãy nên bị thiếu nước. Chị đó bảo anh trưởng đoàn bị mất nước đang bị xỉu không đi được, một anh khác thì đang chạy ngược về thị trấn Phan Dũng lấy nước và gọi cứu trợ.
Nhóm quyết định chia cho chị đó 3 chai nước ( 1 chai nước lọc và 2 chai Kiệt hứng từ suối ) để đem vô cho đoàn chị đó và để lại 2 chai phòng thân.
Sau đó cả nhóm tiếp tục lên đường.
– 12h30: Cả bọn ra tới bìa rừng Phan Dũng. Mọi người vui mừng vì nghỉ sẽ gọi xe ra rước và kết thúc hành trình tại đây.
Tuy nhiên khi lấy điện thoại ra thì … không có sóng. Kiểm tra tracklog thì từ đây ra tới thị trận Phan Dũng còn tới 4km nữa. – Hết cách cả nhóm phải tiếp tục cố gắng lết ra thị trấn, vừa đi vừa kiểm tra xem có sóng điện thoại hay không. Sau khi lê lết được thêm 1.5km thì sóng điện thoại về, nhóm nhanh chóng gọi điện cho xe ôm. Sau khi đã liên lạc được với xe ôm, cả đám bung lụa quăng hết đồ đạc nằm hết xuống đường chờ xe ôm tới đón, xem như kết thúc hành trình trekking tại đây. – Khoảng 15p sau 2 chiếc xe ôm vô tới đèo 4 thằng phóng như bay về thị trấn Phan Dũng.
Chuyến hành trình trekking Tà Năng Phan Dũng kết thúc sau khoảng 30 giờ đồng hồ. Sớm hơn cái nhóm trên mạng mà nhóm đi theo 2 tiếng rưỡi.
3.5. Tổng kết ngày 2
Đoạn đường trekking ngày thứ 2 từ giữa khu đồi Tà Năng về thị trấn Phan Dũng. Cự ly 18.5km.
3.6. Nhận xét một chút về rừng Phan Dũng
Lúc sáng ngày đầu tiên nghe a.Cường tài xế xe 7 chỗ nói là mấy ông porter dẫn đoàn thường chỉ dẫn ra hết khu đồi Tà Năng ngắm cảnh rồi quay về với lý do rừng Phan Dũng không có gì đẹp. Sau khi đi về nhóm cảm thấy đúng thật. Mùa này là mùa khô nên rừng Phan Dũng toàn cỏ khô và cháy, có nhiều chỗ còn có lửa lách tách. Hoàn toàn không có gì đẹp để chụp ảnh. Đường xấu, dễ lạc, suối khô hạn dễ thiếu nước.
Do đi vào thời điểm buổi trưa cộng với do đã mất khá nhiều sức ở ngày đầu tiên nên di chuyển trong rừng Phan Dũng rất mất sức. Nhóm của chị lúc nãy kể ở trên là một ví dụ.
=> Vì thế mình nghĩ nếu muốn thử thách bản thân thì có thể đi đoạn rừng Phan Dũng cũng được, còn nếu mục đích đi để ngắm cảnh thì mình nghỉ không nên đi vào rừng Phan Dũng vào mùa này.
4. Một số lời khuyên khi trekking Tà Năng Phan Dũng
So với chuyến đi cực Đông vừa rồi thì chuyến này khó gấp 2 do mình phải vác đồ hơn 10kg trên vai nên đòi hỏi mọi người phải luyện thể lực đặc biệt là chân cho tốt một tí. Một tin vui là cự ly chỉ khoảng 36 – 40km chứ không phải 50km như review. Nếu đi từ Tà Năng lên đồi rồi vòng lại có thể ngắn hơn. Còn nếu các bạn đi theo đường thác Yaly thì sẽ dài hơn!
4.1. Về hành lý
thứ quan trọng bậc nhất là nước, khuyến cáo mọi người nếu là nữ thì ráng mang 5 lít nam thì 6 lít chia đều nước suối và nước muối ion (Poca Sweat, Aquarius, Revive,…). Như đã review ở trên thì đi vào thời điểm này rất dễ thiếu nước nên mọi người cố gắng mang nước theo đầy đủ.
4.2. Lương thực
chuyến này lương thực của nhóm còn dư khá nhiều nên về lương thực mọi người có thể mang những thứ chính đủ để ăn trong suốt chuyến đi là được không cần dư. Khuyến cáo nên đem đồ hộp (dễ ăn nhất), bánh mì, xúc xích, kẹo.
Nếu có điều kiện thì mọi người nên chuẩn bị cho mình một số đồ dùng đi phượt như là balo trợ lực, giày trekking,… nó giúp ích cho mình rất nhiều.
Luôn mang theo điện thoai có GPS có lưu sẵn tracklog đề phòng đi lạc, cái này rất quan trọng. Sẽ có hướng dẫn cho mọi người cài đặt và sử dụng tracklog mà nhóm đã dùng sau.
Mọi người nên sử sụng sim Vina hoặc Viettel để sóng mạnh hơn, chứ Mobi qua đồi là tịt ngòi luôn.
Đó là những điểm chính mọi người cần lưu ý. Nếu có gì thêm sẽ nói với mọi người lúc chuẩn bị đi sau.
5. Lời kết
Trên đây là bài chia sẻ của bạn Thành Phước trong chuyến đi tiền trạm. Chuyến đi chính của nhóm sau đó diễn ra hết sức thuận lợi và vui vẻ!
Chúc các bạn có một chuyến trekking Tà Năng Phan Dũng thành công!
Đẹp quá bạn. Cung này đẹp nhất VN lun rồi.